Làm sao để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả là câu hỏi mà hầu hết mọi người đều quan tâm. Trên thực tế, có rất ít người có thể quản lý tốt tài chính của mình. Hãy cùng 3Gang điểm qua 5 bài học về cách quản lý tài chính từ các chuyên gia chia sẻ dưới đây.
Bài học thứ nhất: Hãy bắt đầu thay đổi cách nghĩ về tiền
Khi nhắc đến tiền, mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau: có người gặp áp lực trước việc kiếm tiền, có người cảnh giác trước sự tham lam, hoặc cảm thấy thù ghét các yếu tố vật chất và chỉ đề cao giá trị tinh thần. Suy cho cùng, mọi cảm xúc tiêu cực hay việc tránh suy nghĩ về tiền đều bắt nguồn từ việc bạn không thể làm chủ được đồng tiền, hay nói đúng hơn là để khỏa lấp những căng thẳng, sợ hãi khi bạn không đạt được điều mình muốn.
Để có thể thay đổi cách nghĩ về tiền, trước tiên bạn phải hiểu được cảm xúc của mình. Hãy tự đặt ra những câu hỏi và thành thật trả lời nó: “Bạn cảm thấy thế nào về tiền?”, “Khả năng kiếm tiền và cách quản lý nó ra sao?”, … Đừng phụ thuộc vào tiền hay cảm thấy tội lỗi khi nghĩ về tiền, bởi đó là nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Hãy tin rằng bạn có thể kiểm soát và biết cách sử dụng nó hợp lý để đem lại niềm vui cho bản thân.
Bài học thứ hai: Học cách nói về tiền
Mọi người thường coi vấn đề tiền bạc là chuyện tế nhị và tránh đề cập trước mặt nhau. Thay vào đó, họ chỉ suy nghĩ một mình và khiến bản thân bị căng thẳng. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự bức bối, áp lực và kéo theo nhiều mâu thuẫn khác. Chuyên gia Syble Solomon, thành viên của tổ chức Financial Therapy Association cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng chỉ nói về vấn đề tiền bạc khi họ đang ở trong tình trạng khủng hoảng.
Mặc dù nói về tiền là 1 chuyện rất khó khăn, dễ bị đánh giá là ham tiền, trọng vật chất, … nhưng đây vẫn là 1 việc cần làm. Sự rõ ràng về tài chính là cách để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và để mọi người hợp tác tốt với nhau. Tuy nhiên, Solomon cũng khuyên nên lựa chọn thời điểm thích hợp để nói, tránh nói về vấn đề tiền bạc khi có ai đó đang đói, tức giận, cô đơn hay mệt mỏi,tuyệt đối tránh nhắc đến các con số ngay từ đầu mà hãy nói về những chủ đề tổng quát hơn.
Bài học thứ ba: Học cách quản lý tiền và chi tiêu dưới khả năng cho phép
Để có thể sống tốt ở mức độ cho phép, bạn phải mặc định khả năng của mình thấp hơn khả năng thực tế một chút, đồng thời thay đổi lối sống sao cho phù hợp với định mức đó.
Theo chia sẻ của Chantel Bonneau – cố vấn tài chính của Northwestern Mutual: “Nếu bạn có thói quen này, bạn sẽ biết cách điều chỉnh các chi tiêu không hợp lý theo hướng tiết kiệm hơn và dành dụm tiền cho những mục tiêu khác ý nghĩa hơn như mua một ngôi nhà hay đi du lịch.”
Sống dưới mức khả năng nghĩa là bạn sẽ mua những món đồ phù hợp chứ không phải chọn một món đồ làm thỏa mãn bản thân, ví dụ như một chiếc xe đã qua sử dụng, một ngôi nhà nhỏ hơn, và quần áo giảm giá, …. Không có gì là quá tệ nhỉ?
Bài học thứ tư: Học cách thiết lập ngân sách
Thiết lập ngân sách vững chắc là cả một quá trình từ tháng này qua tháng kia để biến việc quản lý tiền bạc thành một lối sống chứ không chỉ là một giải pháp tức thời.
Chellie Campbell – chuyên gia giải quyết các rối loạn về tiền đã gợi ý về 3 ngân sách: thấp, trung bình và cao, từ đó giúp bạn quyết định thiết lập ở mức nào vào đầu mỗi tháng. Theo Chellie, “Ngân sách thấp là khi bạn kiếm được ít tiền hơn hoặc cần phải tiết kiệm cho một điều gì đó đặc biệt, chẳng hạn như để mua một ngôi nhà hay một chiếc xe. Ngân sách trung bình là khoản tiền bạn đang kiếm được và sử dụng nó cho những sinh hoạt điều độ hàng tháng, và ngân sách cao là khi bạn sắp có thêm các khoản tiền mới. Việc lựa chọn mức ngân sách nào sẽ quyết định mức chi tiêu của bạn trong tháng đó”.
Bài học thứ năm: Học cách tiết kiệm thông minh
Không cần ép mình phải tiết kiệm càng nhiều càng tốt mà hãy đặt ra mục tiêu tài chính trong bối cảnh cụ thể để biết chính xác mình cần tiết kiệm bao nhiêu và trong bao lâu thì đạt được mức tiết kiệm đó.
Mindy Crary – hướng dẫn viên lập kế hoạch tài chính đưa ra lời khuyên: Xác định mục tiêu càng rõ ràng bao nhiêu thì bạn càng có động lực để thực hiện nó bấy nhiêu, và từ một mục tiêu ban đầu, hãy xây dựng các kế hoạch nhỏ hơn xung quanh nó.
Hãy thay đổi suy nghĩ về tiền ngay hôm nay và thiết lập cho mình một thói quen chi tiêu – tiết kiệm hợp lý để quản lý tài chính cá nhân tốt hơn bạn nhé.
Finy không thu bất kỳ khoản tiền nào trước khi giải ngân